Những món ăn ngày Tết luôn là chủ đề rất được quan tâm mỗi dịp Tết đến Xuân về, bởi đây là dịp mọi người trong gia đình được sum vầy, quây quần bên nhau để cùng làm mâm cơm và tâm sự về một năm đã qua. Hôm nay các bạn hãy cùng chúng tôi tôi khám phá món ăn ngày Tết của 3 miền qua bài viết sau đây nhé!
Món ăn ngày Tết Việt Nam của 3 miền sẽ có gì?
Nội dung bài viết
Các món ăn ngày Tết miền Bắc
Đầu tiên, chúng ta sẽ cùng ghé thăm Tết ở miền Bắc với một số món ăn ngày Tết đặc trưng như sau:
Bánh chưng
Bánh chưng là một món ăn đặc trưng vào ngày Tết không thể thiếu ở miền Bắc, đây là món ăn truyền thống đã có từ thời xa xưa, đến nay nó đã trở thành biểu tượng của Tết. Món ăn như tượng trưng cho sự hòa quyện của đất trời, là một nét văn hóa đẹp, lâu đời của dân tộc ta.
Để có thể nấu được bánh chưng ngon, vuông vắn, người làm cần phải có chút kinh nghiệm cùng một bàn tay khéo léo. Nguyên liệu để làm bánh chưng bao gồm gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, hạt tiêu và được nấu trong nồi trong thời gian khá lâu.
Xôi gấc
Xôi gấc là một món ăn rất được ưa chuộng vào dịp Tết ở miền Bắc, món ăn có màu đỏ tươi này sẽ tượng trưng cho màu của sự may mắn. Xôi gấc được làm từ gạo nếp trộn lẫn cùng với thịt của quả gấc, từ đó mang đến hương vị thơm ngon và rất bổ dưỡng với hàm lượng vitamin A cao.
Bánh chưng, xôi gấc hay giò lụa là những món ăn đặc trưng trong ngày Tết miền Bắc
Giò lụa
Món giò lụa cũng là một món ăn phổ biến trong mâm cơm ngày tết miền Bắc mà hầu như gia đình nào cũng sẽ có . Món ăn thơm ngon và đậm đà nhờ hương vị ngọt tươi của thịt heo, mọi người có thể kết hợp ăn với cơm, bánh mì hay mì tôm đều ngon. Ngoài ra, những người thích ăn cay nhớ chuẩn bị thêm chén muối tiêu cay để món ăn đủ vị hơn nhé.
Giò lụa bảo quản khá đơn giản chỉ cần bỏ vào trong tủ lạnh, khi ăn thái ra ăn trực tiếp mà không cần làm nóng hoặc muốn lạ miệng có thể chiên lên để thưởng thức. Bởi sử tiện lợi như vậy nên món này rất thích hợp dùng trong những ngày Tết của các gia đình.
Gà luộc
Gà luộc là một món ăn chẳng thể nào thiếu trong dịp Tết bởi đây sẽ là món ăn được sử dụng để cúng gia tiên vào đêm giao thừa của người dân miền Bắc. Ý nghĩa của món ăn ngày Tết này chính là cầu gì được nấy và phúc đức đầy đủ.
Không chỉ vậy, trong mâm cơm khi có gà luộc và canh miến nấu cùng lòng gà và nước gà luộc thì ngon khỏi bàn, món ăn vừa dễ ăn vừa ấm bung.
Giò lụa và gà luộc hay nem rán sẽ là những món luôn có trong mâm cơm ngày Tết
Nem rán
Món ăn ngày tết hiện đại chắc chắn không thể thiếu món ngon nem rán. Món ăn mang đến vị thơm ngon, giòn rụm vì vậy khiến nhiều người yêu thích, đặc biệt là trẻ em. Nem rán không chỉ được sử dụng trong những ngày Tết ở miền Bắc mà còn là món ăn được sử dụng thường xuyên trong mâm cơm hàng ngày của gia đình Việt.
Những nguyên liệu chính để tạo nên sự thơm ngon của nem rán đó là thịt lợn, nấm hương, mộc nhĩ, miến/ mì tôm, cà rốt/ hành tây,…Khi món ăn đã hoàn thành kết hợp cùng một chút thơm ngon đậm đà của nước mắm sẽ tạo nên hương vị tuyệt vời.
Dưa hành
Dưa hành là món ăn kèm gần như sẽ có mặt trong mâm cơm ngày Tết của không chỉ người dân miền Bắc mà cả ở những miền khác. Món ăn này giải ngấy cực kỳ hiệu quả khi các bạn đã ăn quá nhiều đồ dầu mỡ, chiên rán.
Dưa hành sẽ là món ăn giải ngấy cực hiệu quả ngày Tết đó nhé
Ngay từ ánh nhìn đầu tiên, màu tím bắt mắt của món dưa hành đã khiến cho người nhìn muốn thưởng thức ngay. Khi ăn vào độ giòn, độ chua, mặn vừa phải hòa quyện hoàn hảo tạo nên sự đặc trưng trong món ăn.
Các món ăn ngày tết miền Trung
Nếu là người dân miền Trung chắc hẳn các bạn sẽ không xa lạ gì với những món ăn thường có mặt trong mâm cơm ngày Tết như:
Bánh tét
Cùng với bánh chưng thì bánh tét cũng là một phần rất quan trọng trong ngày Tết cổ truyền, nếu bánh chưng ở miền Bắc thì bánh tét sẽ là miền Trung. Cách làm bánh tét sẽ có đôi chút phức tạp hơn và cũng cần nhiều nguyên liệu hơn bánh chưng. Bánh tét mang ý nghĩa tượng trưng cho sự no ấm từ đời này qua đời sau. Bánh tét cũng có rất nhiều loại như bánh tét mặn, bánh ngọt, bánh chay, bánh không nhân, bánh nhân thập cẩm… nhưng người dân miền Trung sẽ chủ yếu ăn nhân mặn.
Tôm chua
Tôm chua là món ăn bình dị và dân dã của người dân xứ Huế. Hương vị chua thanh nhẹ, ngọt đậm đà của tôm kết hợp cùng sự cay nồng của các loại gia vị giúp tạo nên ấn tượng khó quên cho những ai đã từng thử qua món ăn này.
Tôm chua là món ăn dân dã của người dân Huế hầu như sẽ có mặt vào ngày Tết
Tôm chua thường được dùng làm nộm (gỏi), chấm cùng với các món luộc, cuốn rau hoặc ăn bánh tráng đều rất ngon, tròn vị. Vì vậy, nếu gia đình bạn chưa thử qua món ngon này Tết này hãy thử trổ tài làm tôm chua để chiêu đãi gia đình mình nhé.
Nem chua
Đây là món ăn đặc sản nổi tiếng xứ Thanh được làm từ thịt heo tẩm ướp gia vị, trộn chung với thính gạo, cộng thêm 1 ít tỏi, 1 ít ớt sau đó gói lại trong lá ổi hoặc lá chuối. Để cho nem chín trong vài ngày sẽ có vị chua, cay nhé, cộng thêm độ dai ăn cực kỳ hấp dẫn. Món ăn này vì thế ngày càng xuất hiện trong mâm cỗ ngày Tết của nhiều gia đình hơn. Ngày nay tuy món nem chua có nhiều biến tấu khác nhau hơn vậy nhưng vẫn vị chua ngon đặc biệt.
Giò bò
Nếu miền Bắc có giò heo thì miền trung lại rất thích giò bò. Nhìn từng miếng giò bò được xếp tươm tất trên đĩa là biết ngay không khí Tết đang ùa về. Giò dai dai, đậm đà với vị ngọt tự nhiên của thịt bò cộng thêm 1 chút béo thơm của mỡ heo, chấm cùng chén muối tiêu cay the, có thể nói là khó ai kháng cự được vị ngon này.
Dưa món
Miền Bắc có dưa hành thì miền trung ngày tết sẽ có dưa món, đây là món ăn không thể thiếu trong những ngày Tết đến. Người ta thường miền Trung sẽ ăn dưa món ăn kèm với bánh chưng và bánh tét, các bạn có thể thử nhé, rất ngon đấy.
Dưa món thường được ăn kèm với bánh chưng hay bánh tét
Món ăn mang vị ngọt đậm đà của nước mắm cùng với sự giòn tan của đu đủ, su hào và cà rốt, nhờ vậy sẽ làm cho hương vị các món ăn trong mâm cơm ngày Tết thêm phần phong phú.
Các món ăn ngày tết ở miền Nam
Cuối cùng hãy cùng chúng tôi khám phá những món ăn thường có trong mâm cơm ngày tết của người miền Nam xem có gì khác biệt so với những miền trên nhé.
Bánh tét
Cũng giống với người dân miền Trung, ở phía Nam người dân cũng ăn bánh tét trong ngày Tết. Tuy nhiên, nếu miền Trung chỉ sử dụng bánh nhân mặn truyền thống thì ở trong nam người ta đã sáng tạo ra nhiều vị nhân hơn để phục vụ nhu cầu của mọi người.
Thường thì các gia đình sẽ thích ăn bánh tét ngọt (nhân chuối, thường là chuối Xiêm) hoặc bánh tét chay (nhân đậu đen). Một người thì thích hương vị khác lạ, phong phú hơn nên làm bánh tét thập cẩm với nhân gồm trứng muối, lạp xưởng, tôm khô, thịt giò, hạt sen, đậu xanh, nấm đông cô. Mỗi một loại sẽ mang một hương vị đặc trưng riêng nhưng đều rất hấp dẫn.
Canh khổ qua nhồi thịt
Khổ qua một lại thực phẩm nổi tiếng với rất nhiều lợi ích cho sức khỏe của con người. Đặc biệt khi có thêm thịt heo cùng nấm mèo càng làm tăng sự bổ dưỡng cho món ăn này. Có lẽ chính vì vậy mà canh khổ qua là một sự lựa chọn của nhiều gia đình Nam Bộ trong mỗi dịp Tết đến Xuân về.
Canh khổ qua nhồi thịt thường sẽ có mặt trong mâm cơm Tết của gia đình miền Nam
Đây là một món ăn thanh mát, giúp giải nhiệt lại còn mang ý nghĩa đó là bỏ qua những điều kém may mắn và đón chờ niềm vui sắp đến. Vậy nên các bạn đừng bỏ qua món ăn này trong những ngày Tết nhé.
Thịt kho nước dừa
Thịt kho nước dừa hay là thịt kho tiêu, thịt kho hột vịt cũng chính là một trong những món ăn không thể thiếu trong những ngày Tết của người dân miền Nam bên cạnh bánh tét. Với ý nghĩa hạnh phúc ngọt ngào, vạn sự vuông tròn và giàu sang phú quý, vậy nên nếu hiếu món ăn ngậy béo, đậm đà, thơm ngon này thì mâm cơm ngày Tết của người Nam sẽ mất đi phong vị.
Lạp xưởng
Lạp xưởng là một món ăn phổ biến của người dân Nam Bộ. Cứ mỗi khi Tết đến, các gia đình lại đi tìm mua lạp xưởng ngon. Có rất nhiều các loại lạp xưởng: từ tươi, khô, nạc đến lạp xưởng cá, tôm,…người ăn cũng có thể chế biến bằng nhiều cách khác nhau như luộc, chiên hay nướng trước khi ăn. Trong đó cách làm an toàn nhất cho sức khỏe và được nhiều người sử dụng đó là hấp. Vị béo, vị ngọt kèm sự dai dai của lạp xưởng chắc chắn sẽ khiến cho nhiều người mê mẩn.
Lạp xưởng hay củ kiệu được người Nam ưa chuộng và sẽ góp mặt trong món ăn Tết
Củ kiệu
Nếu miền Bắc có món dưa hành muối, miền Trung có món dưa chua thì ở miền Nam sẽ có món củ kiệu muối chua để chống ngán trong ngày Tết. Củ kiệu bề ngoài có màu trắng, nhỏ và dài hơn củ hành một chút, thường nó được dùng trong mâm cỗ Tết ngoài chống ngán còn mang ý nghĩa sang năm mới sẽ được tiền bạc đủ đầy và thăng quan tiến chức.
Ngoài ra, củ kiệu khi ăn cùng với tôm khô và trứng bắc thảo sẽ khiến nhiều người nghiện món này bởi vị vừa chua, cay, mặn và ngọt đan xen.
Bài viết trên đây chúng tôi đã cùng các bạn khám phá về các món ăn ngày Tết của 3 miền Bắc – Trung – Nam. Hy vọng, những thông tin trong bài viết trên đây sẽ giúp các bạn có thêm sự đa dạng trong mâm cơm ngày Tết sắp tới đây!