Phân tích bài Qua đèo ngang – Tài Liệu thi HK, thi HSG lớp 7

13 Tháng Năm, 2021 0 Phạm Chinh

Phân tích bài Qua đèo ngang – Ôn thi HK, thi HSG lớp 7 do Kiến thức tổng hợp chắt lọc từ các tài liệu chuẩn – đặc sắc nhất. Tổng hợp 6 mẫu mở bài – kết bài hấp dẫn lấy điểm trên 8. Cùng đầy đủ dàn ý, mẫu bài giúp học sinh tham khảo và ôn tập tốt hơn, mời theo dõi!

Giới thiệu tác giả, tác phẩm qua đèo ngang

Bà huyện Thanh Quan là nữ thi sĩ nổi tiếng nhất XVIII – XIX của Việt Nam. Nhân vật từng nhận không ít những lời khen “có cánh” của các nhà phê bình văn học, như:

  • Nguyễn Lộc trong Từ điển văn học: “Ở tất cả những bài thơ viết bằng luật Đường của bà, niêm luật đều chặt chẽ mà không có cảm giác gò bó, xếp đặt, câu thơ trang nhã, từ ngữ chải chuốt và chọn lọc công phu. Bà huyện Thanh Quan là một trong những nhà thơ nữ nổi tiếng nước ta.
  • Dương Quảng Hàm trong Việt Nam văn học sử yếu: “Những bài thơ Nôm của bà truyền lại có ít, phần nhiều là thơ tả cảnh, tả tình, nhưng bài nào cũng hay và tỏ ra bà là người có tính tình đoan chính, thanh tao, một người có học thức, thường nghĩ tới nhà, tới nước. Lời văn rất trang nhã, điêu luyện.”
Bà Huyện Thanh Quan

Bà Huyện Thanh Quan là nữ thi sĩ tài hoa của thế kỷ XVIII – XIX

Tác giả

– Bà huyện Thanh Quan tên thật là Nguyễn Thị Hinh, quê ở Thăng Long và là người Đàng ngoài thuộc phủ chúa Trịnh.

– Bà Huyện Thanh Quan là một nữ thi sĩ học rộng tài cao, nổi tiếng nhất ở thế kỉ XVIII – XIX.

– Quê gốc của bà ở Nghi Tàm – Tây Hồ – Hà Nội, là người sinh ra thuộc chúa Trịnh nhưng lại có cơ duyên với họ Nguyễn. Bà được chúa Nguyễn ban họ trong lần vào cung Phú Xuân.

– Đặc điểm thơ tiêu biểu của Bà huyện Thanh Quan là nét tâm sự hoài cổ. Thơ của bà xuất hiện nhiều hình ảnh thiên nhiên, thường là lúc trời chiều. Làm gợi một nỗi niềm nhớ nhung khó tả, cùng tâm trạng buồn man mác.

– Cảnh trong thơ được khắc họa như một bức tranh thủy mặc, chấm phá, diễn tả bằng nghệ thuật ước lệ.

– Hoàn cảnh xa xứ một đi chưa trở lại đã trở thành nỗi niềm trở đi trở lại trong nhiều thi phẩm của nhà thơ. Mỗi bức tranh tả cảnh đều chất chứa một tình cảm nhớ quê nhà da diết.

– Đối với bà, cái đẹp là cái dĩ vãng còn hiện tại lại vắng vẻ, hiu quạnh. 

– Vì vậy, Bà huyện Thanh Quan còn được biết đến là nhà thơ hoài cổ – hoài thương điển hình trong văn học trung đại Việt Nam.

Tác phẩm

– Hoàn cảnh sáng tác:

Bài thơ Qua Đèo Ngang của Bà huyện Thanh Quan được sáng tác trong lần bà vào Huế làm chức cung trung giáo tập để dạy công chúa và cung phi. Trên đường vào kinh nhận chức, khi qua Đèo Ngang, “tức cảnh sinh tình” nên bà đã sáng tác bài thơ.

Đèo Ngang là địa danh nổi tiếng thuộc dãy núi Hoành Sơn, phân cách địa giới hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh. Hình ảnh con đèo trở thành cảm hứng văn chương của không ít thì nhân như Nguyễn Khuyến có bài Qua Hoành Sơn, Nguyễn Thượng Hiền có Hoành Sơn xuân vọng, Cao Bá Quát có Đặng Hoành Sơn,…

Thế nhưng, “Qua Đèo Ngang” vẫn là tác phẩm được nhiều người yêu thích và phổ biến hơn cả khi viết về địa danh này.

Phân tích bài Qua đèo ngang

Hoàn cảnh sáng tác bài thơ Qua Đèo Ngang của Bà huyện Thanh Quan

– Tìm hiểu phân tích bài Qua Đèo Ngang:

Thể thơ: Thất ngôn bát cú Đường Luật (8 câu 7 chữ theo luật thơ Đường), được viết bằng chữ Nôm.

Gieo vần chân (chữ cuối ở mỗi câu thơ): tà, hoa, nhà, gia, ta

Nghệ thuật đối câu 3 – 4, 5 – 6

Niêm luật chặt chẽ về Bằng – Trắc (B – T):

  • Tiếng thứ 2 của câu 1 là thanh bằng -> Luật B
  • Tiếng thứ 2 của câu 1 là thanh trắc -> Luật T
  • Tiếng 2 trùng thanh với tiếng thứ 6 và khác thanh với tiếng thứ 4
  • Các tiếng 1, 3, 5 bằng trắc tùy ý

||Xem thêm: Cách xác định các loại phương thức biểu đạt trong văn học

Bố cục phân tích bài Qua đèo ngang

Phân tích bài Qua đèo ngang có bố cục 4 phần, tương ứng với “Đề – thực – luận – kết”. Mỗi phần là hai câu thơ theo thứ tự:

  • Đề: Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà, / Cỏ cây chen đá, lá chen hoa
  • Thực: Lom khom dưới núi, tiều vài chú / Lác đác bên sông, chợ* mấy nhà
  • Luận: Nhớ nước đau lòng, con quốc quốc, / Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia
  • Kết: Dừng chân đứng lại, trời, non, nước, / Một mảnh tình riêng, ta với ta

chợ*: Thơ có nhiều dị bản khác nhau, trong đó chữ “chợ” hay “rợ” trong câu thơ gây nhiều tranh cãi nhất. Bài thơ trên dùng “chợ” lấy theo nguyên bản thơ đưa vào SGK Ngữ Văn 7. Có nhiều nhà nghiên cứu cho rằng “rợ” hợp lý hơn “chợ”. Vì trên đèo thì không thể có chợ, mà nếu có thì không thể heo hút “mấy nhà” được. Còn “rợ” là tiếng địa phương Hà Tĩnh chỉ “nhà tạm” nghe hợp lý hơn.

Đặc sắc nội dung và nghệ thuật

– Nội dung:

  • Nội dung phân tích bài Qua Đèo Ngang: Miêu tả bức tranh thiên nhiên và cuộc sống của con người nơi đèo Ngang: đẹp, hoang sơ nhưng gợi buồn man mác.
  • Bộc lộ tâm trạng: Hoài cổ nhớ nước, thương nhà da diết, nỗi buồn thầm lặng cô quạnh.

– Nghệ thuật: 

  • Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình đặc sắc
  • Sử dụng hàng loạt biện pháp tu từ nhân hoá, đảo ngữ, điệp từ, chơi chữ điêu luyện
  • Miêu tả kết hợp biểu cảm
  • Lời thơ trang nhã, uyên thâm, âm điệu trầm lắng giàu cảm xúc

|| Bài viết liên quan khác: Các biện pháp tu từ thường gặp trong Ngữ Văn

Phân tích bài Qua đèo ngang

Giá trị nội dung và nghệ thuật đặc sắc

Dàn ý phân tích bài Qua Đèo Ngang

Trước khi phân tích bài Qua Đèo Ngang. Ta cần hiểu thế nào là Đề – Thực – Luận – Kết? Lý luận thi pháp thơ Đường luật Trung Quốc không có khái niệm Đề, Thực, Luận, Kết mà thay bằng đầu liên, hàm liên, cảnh liên, vĩ liên. Nói ngắn gọn hơn, chúng tương ứng với “Khai – Thừa – Chuyển – Hợp”. Mặc dù khác nhau cách gọi nhưng chúng hoàn toàn tương tự về ý nghĩa và cách phân chia niêm luật.

  • Hai câu Đề: Câu 1 gọi là câu phá đề, Câu 2 gọi là câu thừa đề, chuyển tiếp ý để đi vào phần sau
  • Hai câu Thực: Giải thích rõ ý đầu bài
  • Hai câu Luận: Bình luận 2 câu Thực. Hai câu luận để diễn tả suy nghĩ, thái độ, cảm xúc về sự vật, hiện tượng
  • Hai câu Kết: Khái quát toàn bộ nội dung bài theo chiều mở rộng và nâng cao

Phân tích bài Qua Đèo Ngang – Mở bài

MB1:

Khi nhắc tên hai nữ thi hào nổi tiếng nhất thơ ca trung đại Việt Nam, chắc chắn nhiều người sẽ nghĩ ngay về hai cái tên quen thuộc. Đến với thơ Hồ Xuân Hương, ta hình dung ngay đến sự sắc sảo, mạnh mẽ, bứt phá. Ta lại bắt gặp phong thái điềm tĩnh, nhẹ nhàng, trầm buồn trong thơ Bà Huyện Thanh Quan. “Qua Đèo Ngang” là tiêu biểu cho phong cách ấy, khi lột tả sâu sắc niềm nhớ quê hương và nỗi lòng người con xa xứ.

MB2:

Bà Huyện Thanh Quan là một trong những câu bút vàng của nền văn học Việt Nam TK XVIII – XIX. Nổi tiếng là nữ thi nhân nhạy cảm lại thông tuệ, xuất khẩu thành thơ. Trong chuyến đi xa vào kinh đô Huế, vẻ đẹp núi non cùng nỗi niềm xa nhà đã thôi thúc nhà thơ sáng tác thi phẩm “Qua Đèo Ngang”. Đây được xem là một trong các tác phẩm tiêu biểu, đại diện cho tài văn chương và phong thái đoan trang, lối văn trang nhã, điêu luyện của Bà huyện Thanh Quan.

MB3:

Muôn dặm đường đi núi lẫn đồi

Bên non cỏ nội tiễn đưa người

Ai tài kéo nước nghìn năm lại

Trăm trận còn tên một luỹ thôi”

(Lên núi Hoành Sơn – CBQ)

Đó là những chiêm nghiệm sâu sắc về thực tế nghiệt ngã của sự mất. Còn là tự lý giải bao nghịch lý đường đời trên hành trình của nhà thơ Cao Bá Quát. Khi ông đứng trên non cao vời vợi mà nhìn về kiếp người. Cùng được lấy cảm hứng khi đứng trước “Đèo Ngang” nổi tiếng của Việt Nam, Bà huyện Thanh Quan lại nhuốm buồn cho khung cảnh nơi đây bằng khúc nhớ quê của kẻ tha phương. “Qua Đèo Ngang” trở thành nỗi niềm chung của những người con xa xứ. Cũng là tiêu biểu cho phong cách tâm sự hoài cổ của nữ thi nhân.

Phân tích bài Qua đèo ngang

Bài thơ Qua Đèo Ngang

Phân tích bài Qua Đèo Ngang – Hai câu đề

” Bước tới… chen hoa”

– Không gian: cảnh trên Đèo Ngang

– Thời gian nghệ thuật: lúc xế tà (đã về chiều) hay còn gọi là lúc hoàng hôn

=> Thời gian gợi buồn, nỗi nhớ làm tăng thêm nỗi cô đơn trong lòng tác giả trên đường lữ khách tha hương

– Cảnh vật: cỏ cây, lá, đá, hoa

=> Động từ “chen’’ điệp 2 lần khắc họa sức sống cỏ cây ở một nơi hoang dã, vô trật tự, hoang vu. Dưới hoàn cảnh khắc nghiệt, những mầm sống phải chen lấn nhau để tồn tại. Cảnh tuy đầy đủ hoa lá, màu sắc nhưng lại càng tô đậm nét hiu hắt, tiêu điều.

Phân tích bài Qua Đèo Ngang – Hai câu thực

“Lom khom… mấy nhà”

– Nghệ thuật: đối, đảo ngữ, lặp cú pháp

– Tác dụng: Nhấn mạnh tính chất đặc điểm của con người và cảnh vật

– Sử dụng hàng loạt từ láy: Lom khom, lác đác

– Tác dụng: Xoáy sâu vào hiu quạnh, thưa thớt đến buồn cô quạnh. Nghệ thuật chấm phá khiến con người và những biểu hiện của sự sống con người trở nên ít ỏi, nhỏ bé giữa thiên nhiên mênh mông. Cũng thấy được điểm nhìn từ xa của tác giả, cho thấy bước chân nặng trĩu nỗi niềm khi dần xa quê hương của thi sĩ.

Phân tích bài Qua Đèo Ngang – Hai câu luận

“Nhớ nước… gia gia”

– Nghệ thuật: đối, đảo ngữ (nhớ – thương lên trước), lấy động tả tĩnh, đồng âm, ẩn dụ tượng trưng

– Tác dụng: Nhấn mạnh tâm trạng của tác giả, gợi nỗi buồn khổ, khắc khoải, triền miên không dứt.

– Tiếng chim kêu: Vừa là yếu tố nghệ thuật xoáy sâu vào sự vắng lặng trong khung cảnh. Vừa là hình ảnh ẩn dụ tượng trưng để bộc lộ chiều sâu tâm trạng, nỗi nhớ nhà khôn nguôi.

  • Tiếng chim quốc ẩn dụ nỗi niềm nhớ nước (quốc = nước)
  • Tiếng chim đa ẩn dụ tâm trạng nhớ nhà (gia = nhà)

– Ý nghĩa: Đó là tiếng lòng tha thiết, da diết của nhà thơ: Nhớ nhà, quê, nhớ quá khứ của đất nước, nhớ kinh thành Thăng Long => Tiêu biểu cho nét tâm trạng hoài cổ trong thơ Bà huyện Thanh Quan.

Đánh giá thơ của Bà huyện Thanh Quan

Phân tích bài Qua Đèo Ngang – Hai câu kết

“Dừng chân… với ta”

– Biện pháp đối ý: Trời, non, nước >< một mảnh tình riêng

  • Trời, non, nước: Đại diện cho thiên nhiên rợn ngợp, mênh mông, lớn lao
  • Một mảnh tình riêng: Thế giới nội tâm của cá nhân nhân vật trữ tình (buồn nhớ da diết, cô đơn)

– Ý nghĩa “Mảnh tình riêng”: Tình riêng là chỉ tình cảm sâu kín. Đó không phải là tình yêu đôi lứa mà là tình cảm thiêng liêng với quê hương, đất nước của nhà thơ.

– Cụm từ “ta với ta”: Tuy 2 mà 1, chỉ để nói một người, một nỗi buồn, một nỗi cô đơn không ai sẻ chia, hoàn toàn trong thế giới cô độc.

– Kết luận: Hai câu thơ thể hiện hình ảnh một người phụ nữ nhỏ bé, cô đơn giữa đất trời bao la. Đây là những ý thơ cực tả về sự cô độc, buồn đau. Cũng là nhớ tiếc về quá khứ, nỗi thương nước nhớ nhà của nhà thơ.

Phân tích bài Qua Đèo Ngang – Kết bài

KB1:

Lời thơ xao xuyến, bồi hồi, chan chứa bao nỗi niềm nhớ thương quê hương. “Qua Đèo Ngang” đã trở thành tiếng lòng chung của những người con xa xứ. Cũng là áng thơ tiêu biểu cho nghệ thuật chấm phá, ước lệ đặc trưng của thơ ca trung đại. Tiêu biểu cho phong cách văn chương vừa thông tuệ sâu sắc, vừa thấm đượm tình cảm, thoang thoải màu buồn của Bà huyện Thanh Quan.

Phân tích bài Qua đèo ngang

Hướng dẫn xây dựng MB – KB hấp dẫn

KB2:

Bài thơ “Qua Đèo Ngang” của Bà huyện Thanh Quan vừa gợi lên một bức tranh về cảnh đẹp thiên nhiên núi rừng hoang sơ, hùng vĩ. Đồng thời gợi ra khung cảnh sống giản dị, đơn sơ mà ấm áp của con người. Từ đó mang lại những cảm xúc, nỗi niềm, riêng tư của tác giả với tình yêu quê hương, đất nước da diết khi xa nhà. Tâm trạng chung của mỗi người khi lẻ loi một bóng hình nơi đất khách quê người.

KB3:

Với giọng điệu tha thiết, tâm tình, lúc trầm bổng đan xen. Cùng với các biện pháp nghệ thuật tả cảnh ngụ tình độc đáo, lấy động tả tĩnh, phép đảo ngữ, điệp ngữ… Mang đến cảm xúc dạt dào đi sâu vào lòng người đọc trong bài “Qua Đèo Ngang”. Qua đó, ta thêm hiểu tấm lòng của người con khi xa quê để càng thêm yêu quê nhà.

Trên đây là bài Phân tích bài Qua đèo ngang – Ôn thi HK, thi HSG lớp 7 do Kiến thức tổng hợp chắt lọc từ các tài liệu chuẩn – đặc sắc nhất. Đừng quên LikeShare để nếu thấy bộ tài liệu này hữu ích cho phần ôn tập chương trình học Ngữ Văn!

Nguồn: Kiến thức tổng hợp

Bài viết liên quan