Điệp Ngữ Là Gì? Điệp Từ Là Gì? Tác Dụng Của Điệp Ngữ

10 Tháng Chín, 2021 0 Trần Nga

Trong văn học, một biện pháp nghệ thuật vẫn thường xuyên được nhắc đến đó là điệp ngữ, điệp từ. Vậy điệp từ, điệp ngữ là gì? Và biện pháp nghệ thuật này có tác dụng như thế nào? Hãy cùng theo dõi bài viết sau đây của chúng tôi để hiểu rõ hơn về biện pháp này trong môn ngữ văn nhé!

Điệp từ, điệp ngữ là gì?

Điệp ngữ là một biện pháp nghệ thuật mà ở đó tác giả lặp đi lặp lại một từ, một cụm từ hoặc cả một câu với dụng ý cụ thể để tăng tính biểu cảm cho đoạn văn, đoạn thơ.

Việc lặp một từ người ta hay gọi là điệp từ, lặp lại cụm hay câu gọi là điệp ngữ. Người ta còn có cách lặp lại một dạng câu (câu hỏi, câu cầu khiến, câu nghi vấn, câu cảm thán…) nhiều lần trong cùng đoạn văn, đoạn thơ thì gọi là điệp cấu trúc câu (hoặc điệp cấu trúc cú pháp).

Điệp ngữ là gì

Khái niệm điệp từ, điệp ngữ

Ví dụ:

     “Nhớ sao lớp học i tờ 

Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan 

      Nhớ sao ngày tháng cơ quan 

Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo 

      Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều 

Chày đêm nện cối đều đều suối xa…”

(Trích “Việt Bắc” – Tố Hữu)

Ở đây cụm từ “Nhớ sao” được lặp lại 3 lần trên tổng số 6 câu thơ. Qua biện pháp điệp ngữ, tác giả là muốn nhấn mạnh nỗi nhớ của mình đối với những kỷ niệm từ ngày còn bé đến khi trưởng thành.

||Xem thêm: Trạng ngữ là gì? Tác dụng, cách phân biệt các loại trạng ngữ

Tác dụng của điệp ngữ là gì?

Biện pháp tu từ điệp ngữ có 3 tác dụng chính đó là: tác dụng nhấn mạnh, tác dụng liệt kê, tác dụng khẳng định.  

Tác dụng nhấn mạnh

Điệp ngữ được sử dụng câu thơ, câu văn thường có tác dụng nhấn mạnh vào một sự vật, sự việc nào đó hoặc việc lặp lại đó có chủ đích nhấn mạnh tâm tư, tình cảm, nỗi lòng của nhân vật được nhắc đến trong câu.

Ví dụ:

“Một bếp lửa chờn vờn sương sớm

Một bếp lửa ấp iu nồng đượm

Cháu thương bà biết mấy nắng mưa!”

(Trích “Bếp lửa” – Bằng Việt)

Trong khổ thơ trên cụm từ “một bếp lửa” được lặp lại 2 lần ở đầu mỗi câu thơ. Tác giả muốn nhấn mạnh hình ảnh bếp lửa trong trí nhớ của người cháu. Qua đó, thể hiện tình cảm là nỗi nhớ nhung da diết về “bếp”, về người bà dấu yêu.

Tác dụng của điệp ngữ là gì

Tác dụng nhấn mạnh

Tác dụng liệt kê

Điệp ngữ còn có tác dụng liệt kê các sự vật, sự việc được nhắc đến trong câu để làm sáng tỏ ý nghĩa, tính chất của sự vật, sự việc trong bài.

Ví dụ:

“Hạt gạo làng ta

Có vị phù sa

Của sông Kinh Thầy

Có hương sen thơm

Trong hồ nước đầy

Có lời mẹ hát….

Có bão tháng bảy

Có mưa tháng ba”

(Trích “Hạt gạo làng ta” của Trần Đăng Khoa)

Điệp từ “có” trong khổ thơ trên được lặp lại 5 lần tạo sự liệt kê làm nổi bật tinh túy để làm nên hạt gạo đó là vị phù sa, hương sen, lời mẹ hát, bão tháng bảy, mưa tháng ba,… Từ đó để thấy được sự vất vả, nhọc nhằn hậu phương khi làm ra lương thực cung cấp cho tiền tuyến.

Tác dụng của biện pháp điệp ngữ

Tác dụng liệt kê

Tác dụng khẳng định

Các từ ngữ được lặp lại tác dụng khẳng định điều tất yếu, niềm tin tác giả vào sự việc sẽ xảy ra.

Ví dụ:

“Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phía Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập”.

(Trích từ “Tuyên ngôn độc lập” – Hồ Chí Minh)

Cụm từ “Dân tộc đó phải” được lặp lại 2 lần là sự khẳng định điều chắc chắn, tất yếu “phải được độc lập” của dân tộc kiên cường và đầy bất khuất.

Tác dụng của điệp ngữ

Tác dụng khẳng định

||Xem thêm bài viết:

Điệp ngữ có mấy loại?

Điệp ngữ được phân ra thành 3 loại, đó là: điệp cách quãng, điệp chuyển tiếpđiệp nối tiếp

Điệp cách quãng

Điệp ngắt quãng là các từ ngữ lặp lại giãn cách nhau, có thể là cách nhau trong hai, ba câu thơ của một khổ thơ hoặc trong một câu văn.

Ví dụ:

“Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa

Ta nhập vào hòa ca

Một nốt trầm xao xuyến”.

(“Mùa xuân nho nhỏ” – Thanh Hải)

Trong khổ thơ trên điệp từ “ta” được lặp lại 3 lần ở đầu của mỗi câu thơ cho thấy khát khao của nhân vật “ta” muốn được hòa mình làm mọi điều trong cuộc sống.

“Tre xung phong vào xe tăng, đại bác. Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hi sinh để bảo vệ con người. Tre, anh hùng lao động! Tre, anh hùng chiến đấu!

(“Cây tre Việt Nam” – Thép Mới)

Điệp từ “tre” được lặp lại nhiều lần trong đầu mỗi câu văn và từ “giữ” lặp lại 4 lần trong cùng một câu. Đây là phép điệp ngắt quãng có tác dụng nhấn mạnh vào chủ thể và hành động kiên cường và bất khuất của người anh hùng “tre”.

Phân loại điệp ngữ

Điệp cách quãng

Điệp chuyển tiếp

Điệp chuyển tiếp là phép điệp mà các từ ngữ, cụm từ ở cuối câu văn, câu thơ trước được lặp lại ở đầu câu văn. Câu thơ sau tạo sự chuyển tiếp, tạo nên cảm xúc dạt dào cho người đọc, người nghe.

Ví dụ:

“Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương

Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng.

Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy

Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu.

Ngàn dâu xanh ngắt một màu,

Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?”

(Trích “Chinh Phụ ngâm” – Đặng Trần Côn và  Đoàn Thị Điểm)

Từ “thấy” và “ngàn dâu” là hai từ được lặp lại ở đầu câu sau tạo sự chuyển tiếp, trùng trùng, điệp điệp màu xanh của dâu. Và ẩn ý sâu xa của tác giả chính là sự trải dài nỗi nhớ chồng của người chinh phụ.

Có mấy loại điệp ngữ

Điệp ngữ chuyển tiếp

Điệp nối tiếp

Điệp nối tiếp là kiểu điệp mà các từ ngữ, cụm từ lặp lại đứng nối tiếp nhau trong câu. Tác dụng của phép điệp nối tiếp thường là để tạo sự mới mẻ, tăng tiến, liền mạch.

Ví dụ:

“Anh đã tìm em rất lâu, rất lâu

Thương em, thương em, thương em biết mấy”

(Trích “Gửi em, cô thanh niên xung phong” – Phạm Tiến Duật)

Hai câu thơ trên sử dụng phép điệp nối ở cụm từ “rất lâu” lặp 2 lần trong câu 1 và từ “thương em” lặp 3 lần liên tiếp trong câu 2. Với việc sử dụng phép lặp nối tạo nên sự da diết như tăng lên gấp bội, nỗi nhớ nhung tác giả dành cho nhân vật “em” được nhắc đến.

Có những loại điệp ngữ nào

Điệp ngữ nối tiếp

Qua bài viết này chúng tôi hy vọng đã giúp các bạn học sinh hiểu được điệp ngữ là gì, tác dụng cũng như phân loại điệp ngữ. Các bạn hãy nhớ vận dụng phép điệp ngữ, điệp từ khi viết văn để bài văn của mình được hay và hấp dẫn hơn nhé!

||Bài viết liên quan khác:

Bài viết liên quan