Công nghệ chuỗi khối (Blockchain) đang xuất hiện rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng và tốn không ít giấy mực của các đơn vị báo chí, truyền thông. Công nghệ này xuất hiện đã mở ra một xu hướng mới cho các lĩnh vực như: tài chính ngân hàng, logistics, điện tử viễn thông, kế toán kiểm toán,..Vậy Blockchain có những đặc điểm gì? Cùng đi tìm câu trả lời qua bài viết dưới đây của chúng tôi.
Nội dung bài viết
1. Công nghệ chuỗi khối (Blockchain) là gì?
Blockchain là một cấu trúc dữ liệu chứa các bản ghi, được gọi là các khối, được liên kết với nhau theo cách an toàn về mặt mật mã. Đó là một sổ cái phân tán, được đồng ý công khai về các giao dịch và là công nghệ cơ bản của tiền điện tử như bitcoin.
Mỗi khối (block) đều chứa thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết với khối trước đó, kèm theo đó là một mã thời gian và dữ liệu giao dịch. Dữ liệu khi đã được mạng lưới chấp nhận thì sẽ không có cách nào thay đổi được. Blockchain được thiết kế để chống lại việc gian lận, thay đổi của dữ liệu.
Quá trình cập nhật chuỗi khối đòi hỏi sự tính toán lớn khiến việc thao túng dữ liệu lịch sử của bên thứ ba rất khó khăn và tốn kém. Để thao tác dữ liệu lịch sử, một cá nhân hoặc tổ chức sẽ phải kiểm soát phần lớn các nút mạng. Do đó, mạng lưới càng lớn thì có tính bảo mật càng cao.
2. Phân loại công nghệ chuỗi khối
– Public: Bất kỳ ai cũng có quyền đọc và ghi dữ liệu trên Blockchain. Quá trình xác thực giao dịch trên Blockchain này đòi hỏi phải có rất nhiều nút tham gia. Vì vậy, muốn tấn công được vào hệ thống Blockchain này cần chi phí rất lớn và thực sự không khả thi. Ví dụ: Bitcoin, Ethereum,…
– Private: Người dùng chỉ được quyền đọc dữ liệu, không có quyền ghi vì điều này thuộc về bên tổ chức thứ ba tuyệt đối tin cậy. Vì đây là một Private Blockchain, cho nên thời gian xác nhận giao dịch khá nhanh vì chỉ cần một lượng nhỏ thiết bị tham gia xác thực giao dịch. Ví dụ: Ripple là một dạng Private Blockchain, hệ thống này cho phép 20% các nút là gian dối và chỉ cần 80% còn lại hoạt động ổn định là được.
– Permissioned (hay còn gọi là Consortium): một dạng của Private nhưng bổ sung thêm 1 số tính năng khác, đây là sự kết hợp giữa Public và Private. Ví dụ: Các ngân hàng hay tổ chức tài chính liên doanh sẽ sử dụng Blockchain cho riêng mình.
3. Đặc điểm của công nghệ chuỗi khối
– Tính bền vững và bảo mật cao: blockchain có tính năng bảo mật tốt hơn bởi vì sẽ không có bất kỳ một khe hở nào có thể được tận dụng để đánh sập hệ thống, thậm chí là đối với các hệ thống tài chính có nguy cơ tiềm ẩn cao nhất. Bởi vì hệ thống blockchain được bảo mật bởi rất nhiều máy tính khác nhau được gọi là các nút mạng (nodes) và chúng sẽ đảm bảo việc xác nhận cho những giao dịch trong hệ thống.
– Tính hiệu quả: công nghệ blockchain giúp nâng cao hiệu quả giao dịch giữa các bên bằng việc loại bỏ sự có mặt của các bên trung gian, các bên tin cậy thứ ba. Các dữ liệu trong blockchain được xác thực tự động thông qua cơ chế đồng thuận theo thời gian thực (real-time). Blockchain có thể tăng tốc độ giao dịch/thanh toán giữa các bên khi thỏa thuận giữa các bên được tự động mã hóa và lưu trữ dưới dạng các hợp đồng thông minh (smart contract) và được các thực thể khác (cá nhân hoặc tổ chức) xác thực theo cơ chế tự động.
– Tính phi tập trung: sự kết hợp của nhiều thực thể (hệ thống máy tính) kết nối thành mạng lưới tạo ra một chuỗi dữ liệu dài vô tận. Mỗi thực thể của mạng lưới đều có thể tạo ra khối mới và quyền xác nhận các giao dịch. Đây là mô hình “mã nguồn mở”, không có cơ quan trung ương hoặc một bên duy nhất theo dõi hoặc ủy quyền cho bất kỳ thay đổi nào trong chuỗi. Nó giúp loại bỏ sự can thiệp và tập trung quyền lực vào một cơ quan trung ương, giúp loại bỏ chi phí tổ chức và hoạt động của các cơ quan này trong các hệ thống truyền thống hiện tại.
– Tính minh bạch: khi một block mới được tạo ra và xác nhận, nó sẽ tồn tại vĩnh viễn. Suốt trong thời gian tồn tại, tất cả các bên đều có thể dễ dàng xem nội dung block cũng như những giao dịch gắn liền với nó theo thời gian thực. Một bản ghi công khai với đầy đủ nội dung được tạo ra với mỗi giao dịch có tính chất vĩnh viễn, công khai với toàn bộ thành viên của mạng lưới sẽ giúp giảm thiểu (thậm chí có thể nói hoàn toàn không có) bất kỳ hoạt động gian lận nào.
4. Ứng dụng thực tiễn của công nghệ chuỗi khối trong cuộc sống
Một số ngành công nghiệp mà công nghệ Blockchain có thể tác động đến như:
– Công nghệ ô tô Automotive (Automotive)
– Chế tạo (Manufacturing)
– Công nghệ, truyền thông và viễn thông (Tech, media & Telecommunications)
– Dịch vụ tài chính (Financial Services)
– Nghệ thuật & Giải trí (Art & Recreation)
– Chăm sóc sức khỏe (Healthcare)
– Bảo hiểm (Insurance)
– Bán lẻ (Retail)
– Khu vực công (Public Sector)
– Bất động sản (Property)
– Nông nghiệp (Agricultural)
– Khai thác (Mining)
– Vận tải và Logistics (Transport & Logistics)
– Công trình hạ tầng kỹ thuật (Utility)
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp sử dụng Blockchain để xây dựng hệ thống CNTT cho tổ chức của mình. Chắc chắn rằng Blockchain sẽ còn tạo nên nhiều bất ngờ nữa trong tương lai.