Các cách chống nóng mùa hè cho sinh viên không có điều hòa

2 Tháng Sáu, 2021 0 Phạm Chinh

Các cách chống nóng mùa hè cho sinh viên không có điều hòa, không mất phí! Nói thật thì tôi cũng đang viết những dòng review này giữa cái nóng 40 độ của Hà Nội. Trải qua một đêm “ám ảnh kinh hoàng” khi phòng có điều hòa nhưng MẤT ĐIỆN, tôi nhận ra bất cứ anh chị em ở trọ nào cũng nên chuẩn bị tinh thần “đối đầu” với cái nóng để vượt qua qua cái oi bức “quen thuộc” của Việt Nam mỗi hè về. Rất mong những “kinh nghiệm” xương tủy sau đây có thể giúp ích cho các chiến hữu đương đầu với mùa hè 2021 này!

Tình hình đối chọi với nắng nóng 2021 tại các nhà trọ sinh viên

Đầu tiên, xin gửi lời “chia buồn” đến các anh em nhất là ai ở Bắc và Trung Bộ. Bởi chúng ta sẽ còn hứng chịu những đợt nắng nóng gay gắt ít nhất 2 tháng nữa (tháng 6 – tháng 8). Mặc dù thời tiết năm nay không được ghi nhận có nắng nóng kỷ lục.Thế nhưng sẽ có những đợt nóng đỉnh điểm “cháy da cháy thịt”. Mà nhất là những khu vực nhà trọ sinh viên, không hệ thống cách nhiệt, cũng rất ít các bạn có điều kiện sắm sửa điều hòa cho mùa hè.

Bên cạnh đó, hiện tượng quá tải điện dẫn đến việc cắt điện luân phiên hoặc là hiện tượng quá tải, chập cháy xảy ra không ít tại các xóm trọ “nghèo”. Những lúc này thì đến cả “chiếc điều hòa thần thánh” cũng không cứu nổi bạn!

Mà chắc hẳn bạn cũng “xót ruột” cho tiền điện nước hàng tháng. Khi mà những chiếc máy lạnh siêu ngốn điện, với cước phí 3.000 – 5.000 đồng / số điện. Nhiều bạn sinh viên dù đã “ở ghép” cũng phải đau đầu vì phí sinh hoạt hàng tháng.

Thế nên, thay vì phụ thuộc quá nhiều vào điện đóm, chúng ta nên trang bị các cách chống nóng mùa hè đơn giản, không tốn kém.

các cách chống nóng mùa hè

Để có thể ôm nhau vẫn mát mẻ, cặp sinh viên đã huy động quạt của… cả ký túc xá!

Các cách chống nóng mùa hè bằng cách hạ nhiệt phòng

Thực ra, có nhiều biện pháp làm mát, tránh nóng mà hầu hết sinh viên có thể áp dụng. Nếu nhà trọ của bạn đang “quá tải nhiệt” thì nên tham khảo các cách chống nóng mùa hè đơn giản sau đây nhé!

Cách chống nóng vào mùa hè bằng việc hạn chế nấu ăn

Các phòng trọ sinh viên thường không có khu nấu ăn riêng, nhiều lắm thì có thêm 1 vách ngăn hay cửa thoát hơi. Thế nên việc nấu nướng tại nhà sẽ làm căn phòng tăng nhiệt nhanh chóng. Dẫn đến nóng bức từ cả ngoài và trong, không có cách nào hạ nhiệt được.

Tuy nhiên, ăn ngoài thường xuyên lại là biện pháp khá “tốn kém”, chưa kể cơm bụi “mau chán”. Nếu muốn nấu ăn ở nhà, bạn cần nấu ăn từ sớm trước khi nắng trưa nóng lên. Đồng thời, nên lựa chọn các món ăn mau chín, nấu nhanh.

Cách chống nóng cho sinh viên bằng bóng đèn compact

Bóng đèn sợi đốt tỏa nhiệt lớn hơn rất nhiều các bóng đèn Compact. Vì thế bạn nên sử dụng loại bóng này, tốt nhất là những bóng đèn công suất vừa phải thôi. Như vậy vừa tiết kiệm điện, lại giảm bớt nhiệt độ phòng trọ. Cũng đừng quên chỉ bật đèn khi cần thiết, nếu được thì nên tận dụng ánh sáng tự nhiên, tốt cho mắt nữa nhé!

cách tránh nóng mùa hè cho sinh viên

“Tủ điều hòa” – phát minh mới nhất của một sinh viên chưa lộ diện

Các cách chống nóng mùa hè với nước đá

Những viên đá nhỏ tưởng chứng không “ăn thua” với căn phòng nóng nực. Thế nhưng chỉ với túi đá nhỏ 2.000 đồng ngoài quán, đem về để trước quạt. Đây sẽ là giải pháp cấp tốc tạo luồng gió mát mẻ, giảm nhiệt cho phòng. Đây là một trong các cách chống nóng mùa hè được nhiều sinh viên áp dụng nhất, bạn đã thử chưa?

Hạ nhiệt bằng cách làm mát sàn nhà

Đừng coi thường phương pháp lau nhà với nước mát này. Tưởng chừng nó không mấy ảnh hưởng đến nhiệt độ căn phòng, nhưng ngược lại đấy nhé. Sàn nhà có thể hấp thụ lượng lớn nhiệt độ từ trần nhà, khiến căn phòng nóng càng thêm nóng. Bởi thế lau nhà thường xuyên với nước sẽ làm mát nền, tản nhiệt hiệu quả.

Loại bỏ đồ dùng không cần thiết

Đối với không gian nhỏ hẹp như nhà trọ sinh viên, phòng càng ít đồ đạc sẽ càng thoáng mát. Nhất là những thứ bằng vải như chăn dày, quần áo nên được cất gọn vào tủ. Bởi chúng đều “giữ nhiệt” lâu hơn, làm căn phòng càng bí và nóng. Nếu không tin, bạn cứ thử sờ vào những bộ đồ, chăn gối để ngoài phòng cả ngày, sẽ thấy chúng “nóng” hơn không khí đấy. 

các cách chống nóng mùa hè

Nắng nóng 40 độ này mà nằm nệm, đắp chăn thì… à thôi sinh viên nghèo làm gì có nệm!

Các cách chống nóng mùa hè bằng cách hạ nhiệt cơ thể

Nếu ai đó hỏi tôi về game sinh tồn “đẫm nước… mắt” nhất thì có lẽ không phải Pubg hay Free Fire, mà là “chống chọi với nắng nóng ở nhà trọ sinh viên”! Trong những căn phòng vỏn vẹn chục mét vuông, bí bách, không cách nhiệt, không điều hòa. Có lẽ cách chống nóng cho cơ thể duy nhất là nhờ cậy chiếc quạt điện cơ, hoặc là… tắm nhiều lần. 

Làm mát với nước

Đây là biện pháp hết sức đơn giản và cũng được hầu hết các sinh viên dùng như một trong các cách chống nóng mùa hè hữu hiệu. Đơn giản với việc tắm nhiều hơn trong ngày, rửa chân tay với nước, làm ướt khăn đắp lên cổ,… là cách làm mát cơ thể trong nắng nóng nhanh chóng.

các cách chống nóng mùa hè

Phát hiện chiếc “giường điều hòa” giá rẻ chưa từng thấy chỉ có mặt tại các nhà trọ sinh viên!

Uống nhiều nước hơn

Mùa hè, mồ hôi ra rất nhiều khiến cơ thể mất nước. Nhưng như bạn biết đấy, việc cơ thể ra mồ hôi là để làm mát và hạ nền nhiệt cho da. Nhiều người lo sợ việc ra quá nhiều mồ hôi nên không dám uống nước là hoàn toàn sai lầm. Nên thường xuyên bổ sung nước cho cơ thể hơn vào thời gian nắng nóng.

Đối với những ai e ngại vấn đề mồ hôi, có thể kết hợp các biện pháp như mặc áo mát, tối màu và dùng xịt mùi cơ thể.

Mặc đồ vải mát

Ba chất liệu vải sinh viên, mát mẻ nhất được ưu tiên là cotton, lanh và lụa. Trong đó, áo chất cotton sẽ phù hợp mặc đi học, đi làm thêm. Còn đi chơi hay ở nhà thì đồ lanh và lụa sẽ cực kỳ mát mẻ.

Ngoài ra, mặc dù đồ tối màu (đen) có thể che đi mồ hôi nhưng trang phục sáng màu mới có thể hạn chế hấp thụ nhiệt từ môi trường, ánh nắng. Nên mặc đồ sáng màu sẽ làm cơ thể bớt nóng hơn các màu tối như đen. Thay vào đó, bạn cũng nên hạn chế vận động để tránh cơ thể mất nước nhiều, mồ hôi lộ ra áo.

cách chống nóng khi không có điều hòa

Phong cách chống nóng “điện nước đầy đủ” của sinh viên

Các cách chống nóng mùa hè với xịt khoáng, phun sương

Mặc dù tắm tại nhà hay đi bơi sẽ làm mát cơ thể, giải nhiệt rất tốt. Nhưng chúng ta không thể thực hiện nó thường xuyên, mỗi khi nóng. Nước làm hạ nhiệt rất nhanh nên hãy tận dụng các sản phẩm dạng xịt và phun sương. Nhất là các bạn nữ nên sắm một bình xịt khoáng cho mùa hè, vừa cấp nước lại dưỡng da tốt. 

Nếu phòng trọ có cửa sổ, thoáng đãng thì nên sắm thêm thiết bị phun sương. Tuy nhiên, các cách chống nóng mùa hè bằng đồ phun sương không thực sự phù hợp với các căn phòng quá kín, khó thoát ẩm đâu nhé!

Tránh ra đường các thời gian nắng nóng cao điểm

Nắng nóng đỉnh điểm thường rơi vào thời gian 11h – 16h hàng ngày. Vì thế, nếu không có việc gì gấp và cần thiết thì không nên ra đường vào thời điểm này. Bạn nên sắp xếp công việc và đẩy chúng từ sáng sớm (tốt nhất trước 10h), hoặc đến tối. Năng trưa cũng có nhiều tia cực tím không tốt cho sức khỏe. Nên nhớ mặc áo dài tay, đội mũ và đeo khẩu trang khi ra đường nhé!

các cách chống nóng mùa hè

Hạn chế bước ra đường vào giờ nóng cao điểm

Hiện nay, chúng ta không chỉ đối đầu với nắng nóng mà vấn đề dịch bệnh cũng đang diễn ra hết sức phức tạp. Những mùa hè trước đây, ra siêu thị hoặc các thư viện có điều hòa là biện pháp “tránh nóng” FREE. Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại điều này không được khuyến khích đâu nhé! Trên đây là cẩm nang các cách chống nóng mùa hè cho sinh viên không tốn 1 xu! Nếu thấy thật sự hữu ích, lưu lại để áp dụng ngay hè này thôi!

Nguồn: Kiến thức tổng hợp

Bài viết liên quan